Giám sát và quản lý trung tâm dữ liệu

Hệ thống DCIM như một chất kết dính, liên kết các phần khác nhau của TTDL trong một giao diện duy nhất. Cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện về TTDL để mở rộng hiệu quả hoạt động và quản lý của mình.

Trung tâm dữ liệu (TTDL) hiện nay là một mảng kinh doanh cốt lõi, và kết nối quang là nền tảng chính, đảm bảo truyền tải dữ liệu quan trọng nhanh chóng, kết nối liên kết giữa các server, hệ thống chuyển mạch và lưu trữ.

Lớp vật lý

Kết nối quang đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong TTDL ngày nay, và việc quản lý kết nối ở lớp vật lý cực kỳ cần thiết để đảm bảo tính vận hành liên tục cho TTDL.

Các nhà quản lý có nhiều công cụ riêng để giám sát lỗi trong hệ thống điện, hệ thống tản nhiệt và hệ thống rack, với mục tiêu chung là quản lý những tác động của việc bổ sung, tháo bỏ và thay thế trên hệ thống.

Ví dụ: nếu có kế hoạch triển khai 100 server, người quản lý cần biết họ có đủ không gian, nguồn cấp và kết nối để chứa chúng không? Một công cụ quản lý hạ tầng TTDL (DCIM) đầy đủ sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời. Giám sát và quản lý TTDL là hai vấn đề riêng biệt và DCIM là công cụ đặc biệt giúp tạo nên mối liên kết giữa chúng.

Giám sát và quản lý

Mạng kết nối trong một TTDL hiện đại thường gồm hàng trăm ngàn kết nối quang tốc độ cao. Giám sát lớp kết nối vật lý theo thời gian thực giúp nhà quản lý TTDL có được thông tin chính xác vào thời điểm cần thiết.

Giám sát là thu thập thông tin, còn quản lý là sử dụng thông tin đó để đưa ra định hướng tổng quan tốt hơn cho TTDL. Giám sát là khâu mấu chốt để cải thiện quản lý TTDL, thường bao gồm một tập hợp các công cụ như công tắc thông minh, thiết bị đo, PDU, hệ thống truyền thông tin để hiển thị hiệu năng và giám sát vận hành thiết bị từ các nhà cung cấp khác nhau. Mỗi nhà cung cấp lại có phần mềm quản lý riêng, dẫn đến thiếu liên kết giữa các thành phần trong TTDL. Ví dụ: bạn sử dụng phần mềm của nhà cung cấp này để giám sát hệ thống truyền thông tin, nhưng lại sử dụng phần mềm của nhà cung cấp khác để giám sát năng lượng tiêu thụ bởi hệ thống làm lạnh.

Các công cụ khác nhau vẫn giúp bạn biết được hệ thống truyền dẫn làm việc tốt không, hoặc thanh phân phối nguồn đủ công suất hay không. Tuy nhiên, bạn không thể biết hệ thống phối hợp làm việc như thế nào. Với một phần mềm DCIM đầy đủ, bạn có thể tổng hợp các dữ liệu khác nhau, để biết hệ thống làm lạnh đang vận hành x, hệ thống truyền dẫn đang cung cấp y đến đó, và thiết bị IT đang thiêu thụ z trong giới hạn năng lượng. Từ đó, bạn có thể liên kết thông tin để nắm những gì tải IT ảnh hưởng đến hệ thống làm lạnh và ngược lại. Bạn có thể trả lời những câu hỏi như: “Tôi có đủ công suất lạnh để hỗ trợ thêm server trong TTDL không?”, hoặc “Nếu đường truyền bị lỗi, thiết bị nào sẽ bị ảnh hưởng? Thiết bị IT sẽ bị ngắt nguồn hay vẫn có thể tiếp tục vận hành trong lúc hệ thống làm lạnh ngưng hoạt động?”

Việc thay đổi ở lớp vật lý sẽ gây tác động lớn, và tháo rút sai một kết nối cũng sẽ gây hậu quả khó lường cho TTDL. Với hệ thống kết nối ngày càng phức tạp (hệ thống đấu nối quang mật độ cao), một giải pháp quản lý thông minh ở lớp vật lý là rất cần thiết.

Ngày nay, thật khó tưởng tượng một TTDL hiện đại không có hệ thống quản lý hạ tầng tự động (AIM - Automated Infrastructure Management)  để cung cấp thông tin thu thập về lớp vật lý.

Nguyên lý làm việc DCIM

DCIM là một phần mềm tập hợp dữ liệu, sử dụng “giao diện” API mở và giao thức tiêu chuẩn SNMP để thu thập thông tin từ các hệ thống khác nhau và hiển thị trên một giao diện duy nhất. DCIM thu thập thông tin về nguồn, hệ thống làm lạnh, không gian và các kết nối của hệ thống trong TTDL, thường hoạt động ở khu vực có thiết bị, tủ rack và hạ tầng tổng thể của TTDL.

Nếu bạn muốn thông tin đến cấp độ thiết bị, và thiết bị đó có kết nối trực tiếp qua giao thức SNMP hoặc các bộ tập trung dữ liệu, hệ thống DCIM có thể thu thập thông tin đó và hiển thị chúng. Ví dụ: thanh phân phối nguồn thông minh thường tích hợp sẵn SNMP, nhờ đó, DCIM có thể trực tiếp thu thập thông tin từ thanh phân phối nguồn đó.

Nếu bạn dùng những thiết bị có lượng thông tin lớn hơn như APS, UPS hoặc máy phát điện, thông tin của chúng sẽ được xuất qua cổng Modbus. Từ đó, DCIM có thể truy vấn nhằm cung cấp rõ ràng hơn về những sự kiện đang diễn ra với hạ tầng nguồn của hệ thống.

Nếu muốn quản lý về không gian và khả năng lắp đặt, di chuyển hoặc thay đổi thiết bị, bạn có thể liên kết dữ liệu từ các nguồn khác nhau để có một bức tranh hoàn chỉnh. Ví dụ: nếu bạn có một thanh phân phối nguồn thông minh và các cảm biến cho biết thiết bị nào có trong rack, DCIM có thể liên kết các dữ liệu đó lại và cho bạn biết thiết bị nào sẽ bị ảnh hưởng nếu thanh phân phối nguồn bị hỏng. Hoặc có thể bạn sẽ phát hiện ra rack có nhiều thiết bị đang hoạt động hơn thiết kế, giúp bạn đưa ra quyết định di dời một số thiết bị ra khỏi tủ rack, đảm bảo dung lượng hoạt động.

Quan trọng nhất, DCIM có thể sử dụng thông tin kết nối lớp vật lý ngay lập tức từ hệ thống AIM theo thời gian thực để thiết lập nhanh chóng kế hoạch kinh doanh. Khả năng này giúp đảm bảo việc bố trí và triển khai thiết bị, nguồn lực trong TTDL chính xác và kịp thời.

Lợi ích của DCIM

Hệ thống DCIM giúp bạn lên kế hoạch hiệu quả hơn. Nếu muốn biết TTDL có thể phát triển đến mức nào, DCIM có thể dự đoán và thể hiện bạn cần bao nhiêu không gian, năng lượng, công suất lạnh và kết nối cần thiết. DCIM cũng cho biết hệ thống nào không được tận dụng đúng mức. Ví dụ, bạn có nguồn 5kW cho một rack và nó chỉ có ba server (hai trong ba cái ở trạng thái nghỉ), đồng nghĩa bạn đang lãng phí năng lượng.

Nguồn: tamnhinmang.vn


Bài viết xem thêm