Những điều cần biết khi lựa chọn tủ Rack

Việc lựa chọn tủ chứa thiết bị trở nên quan trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm mát và chất lượng của hệ thống CNTT mà bạn đang thiết kế.

Hệ thống thông tin ngày càng phát triển kéo theo số lượng TTDL, phòng máy chủ và viễn thông đều tăng nhanh. Doanh nghiệp cũng ngày càng quan tâm hơn đến hệ thống CNTT, vì đây là công cụ sống còn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc thiết kế, lựa chọn máy chủ và thiết bị lưu trữ mạng trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hệ thống. Song song đó, khâu làm mát cũng đòi hỏi khắt khe hơn để đảm bảo công suất thiết bị ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu hoạt động liên tục.

 

Ngoài ra, việc chọn tủ chứa thiết bị cũng được quan tâm hơn bao giờ hết vì có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm mát và chất lượng hệ thống CNTT. Hiểu rõ về tủ rack giúp ta chọn được loại tủ phù hợp, tránh những sai lầm khi thiết kế và lắp đặt thiết bị.

Các kiểu tủ rack

Tủ rack trên thị trường rất đa dạng, bạn cần cân nhắc để chọn tủ phù hợp với ứng dụng của mình, tránh nhầm lẫn và lãng phí. Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu một số dòng tủ rack, đặc điểm, tính năng và các phụ kiện đi kèm để tránh sai sót khi thiết kế hay lựa chọn tủ rack cho hệ thống công nghệ thông tin (CNTT).

Tủ rack dạng mở hai trụ

Đây là kiến trúc tủ rack đơn giản nhất, với một khung mở cho phép lắp các thiết bị dọc theo hai trụ thẳng đứng và dễ truy cập. Giống như tên gọi, tủ rack hai trụ được chế tạo từ hai thanh thép dọc, nối với nhau bởi phần trên và đế, giúp lắp đặt và bảo trì thiết bị dễ dàng.

Tủ rack hai trụ phù hợp cho các không gian chật hẹp và thường có nhu cầu thay đổi thiết bị hay dây cáp. Tủ có các phụ kiện quản lý và bảo vệ cáp đi kèm để hỗ trợ quản lý các thiết bị trong rack. Giải pháp này thường được sử dụng cho các thiết bị cần quan sát và truy cập dễ dàng như thoại, dữ liệu và thiết bị video.

Nhược điểm của tủ rack hai trụ là thiếu chắc chắn khi gắn thiết bị có kích thước chiều sâu lớn, nặng nề. Tuy nhiên, với ưu điểm thiết kế mở, người dùng dễ dàng lắp đặt, quan sát và tương tác với các thiết bị, phù hợp với môi trường đào tạo và phòng trưng bày.

Tủ rack dạng mở bốn trụ

Tủ rack dạng mở bốn trụ được thiết kế giống tủ rack hai trụ, nhưng được nâng cấp độ chắc chắn khi lắp thiết bị. Hai thanh giá đỡ được thiết kế thêm phía sau giúp tủ rack bốn trụ lắp được các thiết bị máy chủ, thiết bị mạng. Bên cạnh đó, thanh quản lý cáp hay thanh nguồn có thể được lắp vào phía sau tủ, giúp tiết kiệm không gian phía trước và tăng độ thẩm mỹ.

Thiết kế mở giúp tủ dễ thông thoáng, nhưng lại gây khó khăn cho việc quản lý luồng khí nóng. Đây cũng là nhược điểm mà dòng tủ rack dạng mở không đáp ứng được nhu cầu làm mát ngày một cao hơn.

Tủ rack dạng kín

Tủ rack dạng kín (cabinet) là thiết kế nâng cấp của tủ bốn trụ, được bổ sung thêm cửa trước, sau và hai cửa bên để tăng khả năng bảo vệ thiết bị bên trong. Trong các TTDL lớn, tủ cabinet là giải pháp phù hợp để lắp đặt máy chủ, thiết bị mạng và UPS. Khả năng tháo rời cửa và thanh giá đỡ giúp dễ di chuyển thiết bị vào trong hoặc ra khỏi tủ, giúp truy cập nhanh nhưng vẫn đảm bảo bảo vệ thiết bị từ tác nhân bên ngoài. Tủ rack dạng kín còn giúp quản lý luồng khí linh hoạt và dễ kiểm soát hơn.

Tủ rack dạng treo tường

Với những cơ sở ít thiết bị và hoạt động nhỏ, không cần tủ dạng cabinet lớn thì tủ rack dạng treo tường (wall-mount) là lựa chọn phù hợp. Giải pháp này giúp tiết kiệm chi phí và lưu trữ linh hoạt, bảo vệ thiết bị viễn thông và mạng trên tường, giúp giải phóng và tiết kiệm không gian làm việc bên dưới.

Thông thường, hệ thống đường trục thông tin thường đặt ở những không gian công cộng hơn là trong phòng viễn thông, máy chủ, hay TTDL. Do đó, yêu cầu về tính thẩm mỹ và độ bảo vệ cũng cao hơn. Tủ rack wall-mount với thiết kế giá đỡ sử dụng bản lề đôi, cho phép bạn dễ dàng mở tủ cả trước và sau, dễ dàng lắp đặt và bảo trì thiết bị sau này.

Những cân nhắc khi lựa chọn tủ rack

Chúng ta có thể thấy tủ rack ở bất cứ đâu: sân bay, trường học, trung tâm y tế, nhà máy, phòng bảo vệ hay TTDL của doanh nghiệp. Chúng có chiều cao, độ sâu và rộng khác nhau. Do đó, khi lựa chọn không gian để đặt thiết bị, bạn cần xem xét một số điểm mấu chốt sau:

a. Không gian và môi trường

Bạn cần quan tâm đến nơi đặt thiết bị có bao nhiêu không gian mở để đặt tủ rack? Đặc điểm khu vực ảnh hưởng ra sao đến việc di chuyển thiết bị? Tính chất địa lý của từng khu vực thế nào?

b. Loại thiết bị và cáp kết nối

Biết được thiết bị gì sẽ gắn vào tủ rack giúp người dùng quyết định được chiều cao, độ sâu của tủ. Tùy theo đường cáp và lối đi cáp vào từ phía trên hay phía dưới sẽ giúp bạn dễ quản lý và lựa chọn những thanh quản lý cáp phù hợp.

c. Một số vấn đề khác

Việc lựa chọn thanh nguồn hay UPS giúp dự phòng nguồn điện và bảo vệ thiết bị CNTT. Quản lý luồng khí làm mát cho thiết bị có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc của những phụ kiện hỗ trợ đi kèm trong tủ rack.

Quản lý luồng không khí bên trong tủ rack

Khi ảo hóa trở thành tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, thì nhu cầu nâng cấp máy chủ, thiết bị lưu trữ và thiết bị mạng để đáp ứng ảo hóa cũng ngày một cao hơn, kéo theo nhu cầu làm mát tăng lên. Do đó, tủ rack ngày nay không chỉ là công cụ để lắp đặt thiết bị mà còn là công cụ quan trọng trong chiến lược quản lý luồng khí bên trong tủ rack.

Công nghệ ngày càng mới, kích thước nhỏ gọn hơn cũng đồng nghĩa tăng mật độ và nhiệt năng bên trong tủ rack và TTDL. Ngoài ra, số lượng cáp trong tủ rack cũng tăng đáng kể, dễ gây tắc nghẽn luồng khí nếu không được quản lý và định tuyến một cách hợp lý.

Thiết kế lý tưởng nhất là để luồng khí mát được đưa vào mặt trước tủ rack, thổi vào làm mát thiết bị rồi thải ra phía sau nóc tủ, thông qua hệ thống ống dẫn khí nóng đi ra ngoài. Việc thiết kế sẽ kém hiệu quả nếu luồng khí nóng bị đi ngược lại phía trước tủ rack, trộn lẫn với luồng không khí mát và quay đi ngược lại thiết bị.

Các tủ rack thiết kế theo dạng mở sẽ không sử dụng được phương pháp này. Để đảm bảo làm mát đủ cho thiết bị, rất cần ứng dụng quản lý luồng khí nóng để mọi lỗ khí phải được kiểm soát và quản lý hiệu quả.

Sử dụng thanh lấp chỗ trống

Công nghệ phát triển nhanh kéo theo nhu cầu thay đổi thiết bị trong tủ rack ngày càng tăng, đặt ra nhu cầu phải dự phòng không gian chứa của tủ, ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn khí nóng bên trong tủ. Thanh lấp chỗ trống (blanking panel) là giải pháp để lấp đầy không gian trống nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả giúp tối ưu hóa khả năng lưu thông khí nóng mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cùng đặc tính kỹ thuật của tủ.

Thanh lấp chỗ trống có nhiều dạng khác nhau, đa số được làm từ nhựa đen hay thép. Ngoài nhiệm vụ lấp đầy không gian trống, thanh blanking còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý luồng khí và hiệu suất làm mát, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng điện năng.

Đừng quên các yếu tố về quản lý cáp

Khi cáp dữ liệu và cáp điện trong hệ thống mạng hoặc trong tủ rack được lắp đặt như dây leo chằng chịt, việc thiếu tổ chức đường đi cáp có thể gây gián đoạn hệ thống và việc kiểm soát cáp trở nên khó khăn hơn. Sử dụng phụ kiện quản lý cáp, các nhà quản lý có thể định tuyến gọn gàng và giảm áp lực không cần thiết trên sợi cáp, giúp tăng hiệu suất và đảm bảo thiết bị được làm mát đầy đủ.

Tủ rack sẽ lộn xộn vô tổ chức nếu việc quản lý cáp không được quan tâm và ưu tiên. Điều hiển nhiên là nếu doanh nghiệp triển khai càng nhiều tủ rack thì việc quản lý cáp càng quan trọng hơn nhằm đảm bảo nhu cầu hoạt động liên tục và hiệu quả kinh doanh.

Kết luận

Hiểu và có một cái nhìn tổng quát về tủ rack cũng như các vấn đề liên quan sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn, lắp đặt và quản lý tủ rack tốt hơn, đặc biệt giúp tăng hiệu quả làm mát trong TTDL và góp phần không nhỏ đảm bảo tính liên tục cho hệ thống.


Nguồn: tamnhinmang.vn


Bài viết xem thêm